Lịch sử phát triển Panzer_I

Hiệp ước Versailles được ký vào năm 1919 nghiêm cấm việc phát triển, sản xuất cũng như chế tạo xe tăng trong quân đội Đức. Tuy nhiên, một số sĩ quan đã bí mật nghiên cứu và phát triển các học thuyết cũng như chiến thuật sử dụng xe tăng. Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghiệp Đức cũng được khuyến khích phát triển các thiết kế xe tăng, thậm chí họ còn bí mật hợp tác với các quốc gia khác như Liên Xô, Thụy Điển trong lĩnh vực này. Do đó, các kỹ sư đã thu thập được một lượng lớn thông tin quí giá cho những thiết kế tăng tương lai của mình. Từ những năm 1926, các công ty Đức đã chế tạo một nguyên mẫu trang bị pháo 75mm, được đặt tên là Großtraktor (tạm dịch là "máy cày cỡ lớn", nhằm che đậy mục đích thật của xe này). 2 năm sau, một phiên bản mới "Leichttraktor" (máy cày cỡ nhỏ) được thiết kế, trang bị một pháo 37mm KwK L/45.

Vào cuối thập niên 20, trung tá Heinz Guderian đã lập ra một học thuyết tăng mới, cho rằng một sư đoàn thiết giáp nên có ba loại tăng, một loại được trang bị vũ khí cỡ 75mm, có độ cơ động cao, nhỏ gọn, dùng để thọc sâu vào phòng tuyến quân thù. Loại thứ hai được trang bị vũ khí hạng nhẹ, độ cơ động được hi sinh để đổi lấy lớp giáp dày, có thể chịu được hỏa lực từ pháo chống tăng, lựu pháo của địch, dùng để hỗ trợ bộ binh trên chiến trường. Loại cuối cùng phải được trang bị pháo có cỡ nòng rất lớn (105mm trở lên) nhằm phá hủy các công sự kiên cố của đối phương. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất loại tăng này là không thực tế bởi công nghệ thời bấy giờ.

Khi Hitler lên nắm quyền, y đã ra lệnh thành lập sư đoàn tăng và thiết giáp đầu tiên. Để đơn giản hóa kế hoạch của mình, Guderian gợi ý việc sử dụng hai loại tăng chủ lực (sau này là Panzer IIIPanzer IV). Tuy vậy, nước Đức cần một giải pháp tạm thời. Bên cạnh đó, Quân đội Đức cũng yêu cầu một phương tiện để huấn luyện kíp lái của họ. Một thiết kế được các kỹ sư đưa ra, sau này trở thành xe tăng Panzer I.